Phong cảnh mùa xuân trong tranh các danh hoạ Việt Nam

Mùa xuân, thời điểm tươi vui nhất của năm, khi tự nhiên bừng nở trong sắc màu mới, không gian tràn ngập trong niềm vui hân hoan. Những bức tranh mùa xuân của các hoạ sĩ một thời đã ghi lại cảm xúc khi mùa xuân đến. Từ cảnh chợ hoa trên phố phường rộn ràng sức sống đến hình ảnh lộc non và muôn hoa đua nở trong không gian xanh mướt. Những tác phẩm này sẽ mang đến cho bạn cảm giác thư thái và hạnh phúc. Hãy cùng Thế giới Hội hoạ khám phá và tận hưởng vẻ đẹp của mùa xuân trong tranh của các danh hoạ Việt Nam. 

Tranh Hà Nội đón xuân của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn

Bức tranh sơn dầu về Hà Nội trong ngày xuân của Nguyễn Ngọc Tuấn, được hoạ sĩ hoàn thành vào năm 1983, có kích thước 70,3x98 cm. Tác phẩm tái hiện không khí tươi sáng của các con phố Hà Nội trong những ngày giáp Tết, với hình ảnh người dân ai cũng sắm cho mình 1 cành đào xuân.

Tranh chợ hoa hoạ sĩ Lệ Dung phong cảnh mùa xuân

Họa sĩ Lệ Dung mang đến không khí đặc trưng của ngày Tết qua bức tranh "Chợ hoa". Tác phẩm được vẽ vào năm 1974, sử dụng chất liệu sơn dầu, có kích thước 47x56 cm, mô tả cảnh vật sôi động và đông đúc của người dân trong phiên chợ hoa.
Hoạ sĩ Lệ Dung, 76 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, hiện đang sinh sống tại TP HCM. Bà là thành viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã từng đoạt giải nhì trong triển lãm ở thủ đô Hà Nội vào các năm 1974 và 1976, cũng như giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam vào năm 1993.

Tranh sơn mài Đón giao thừa của hoạ sĩ Lê Quốc Lộc

Tác phẩm sơn mài "Đón giao thừa" được danh họa Lê Quốc Lộc thực hiện vào năm 1957.
Lê Quốc Lộc (1918-1987) là cựu sinh viên khoa Sơn mài, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tốt nghiệp khóa 1937-1943. Ông nổi tiếng với việc sử dụng kỹ thuật truyền thống trong việc vẽ tranh sơn mài, thường chọn chủ đề xoay quanh quê hương và đất nước. Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật vào năm 2000 cho một số tác phẩm nổi bật như: "Qua bản cũ" (sơn mài, 1957), "Ánh sáng đến" (sơn mài, 1957), "Tiêu thổ kháng chiến" (sơn mài, 1958), "Giữ lấy hòa bình" (sơn mài, 1962) và "Từ trong bóng tối" (sơn mài, 1982).

Tranh Xuân Hồ Gươm của hoạ sĩ Nguyễn Khắc Thiệu

Bức tranh "Xuân Hồ Gươm" của Nguyễn Văn Thiệu được sáng tác bằng chất liệu sơn khắc và hoàn thiện vào năm 1960.
Nguyễn Văn Thiệu (1911-2000) là cựu sinh viên khóa ba của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. 

Đi chợ Tết của hoạ sĩ Nguyễn Tiến Chung

Tác phẩm lụa "Đi chợ Tết" được thực hiện bởi họa sĩ Nguyễn Tiến Chung vào năm 1940.
Nguyễn Tiến Chung (1914-1976) là cựu sinh viên của khóa 11 tại trường Mỹ thuật Đông Dương, cùng với các hoạ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Văn Tỵ, Hoàng Tích Chù, và Bùi Trang Chước. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông vẽ tranh mộc bản cổ động. Sau khi hòa bình, ông làm giảng viên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ đề chính trong các tác phẩm của hoạ sĩ thường về nông dân, bộ đội, và thiếu nữ. Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật vào năm 2001.

Phố hàng mã, hoạ sĩ Nguyễn Trọng Kiệm, phong cảnh mùa xuân

Họa sĩ Trọng Kiệm sáng tác tác phẩm "Phố Hàng Mã" vào năm 1978, tranh có kích thước 60x82 cm.
Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Kiệm (1933-1991), quê ở Hưng Yên, đã đóng góp đáng kể vào việc đào tạo các họa sĩ mỹ thuật công nghiệp tại Việt Nam. Các tác phẩm của ông mang tính cách tân trong nghệ thuật sơn dầu, nổi bật với bút pháp mạnh mẽ và sắc nét.

Tranh phong cảnh Ngọc Hà, Trần Trọng Vũ, phong cảnh mùa xuân

Tác phẩm "Phong cảnh Ngọc Hà" là một bức tranh sơn dầu được hoàn thành bởi danh họa Trần Trọng Vũ vào năm 1984.
Trần Trọng Vũ, 60 tuổi, là con trai của nhà thơ và nhà văn Trần Dần. Ông được giới chuyên môn đánh giá cao, là một trong những họa sĩ hàng đầu của thế hệ đương đại tại châu Âu. Mặc dù đã sống và làm việc tại Paris, Pháp suốt nhiều năm, nhưng ông vẫn dành thời gian để trở về Việt Nam để tham gia vào việc đào tạo thế hệ trẻ, tổ chức triển lãm cá nhân và ra mắt sách. 

Thăng Long Đông Đô, Trần Nguyên Đán, phong cảnh mùa xuân

Họa sĩ Trần Nguyên Đán đã sáng tác bức tranh "Thăng Long - Đông Đô" bằng bột màu, có kích thước là 56x101 cm.

Nay ông đã 83 tuổi, và ông đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng kể từ khi bắt đầu sự nghiệp, như "Chăm học chăm làm" và "Con trâu là đầu cơ nghiệp". Ông có một sự nghiệp mỹ thuật đồ sộ và từng được tặng nhiều giải thưởng trong ngành mỹ thuật.

Tranh ngày Tết nguyên đán, hoạ sĩ Nguyệt Nga, phong cảnh mùa xuân

Bức tranh của hoạ sĩ Nguyệt Nga, 84 tuổi, với hình ảnh một em bé mặc trang phục mùa đông, bên chậu cây đào trong ngày Tết Nguyên đán. Tranh được khắc trên gỗ, có kích thước 30x33,5 cm, và được họa sĩ sáng tác vào năm 1981.

Tranh Hoa quả Tết của hoạ sĩ Trần Lưu Hậu, tĩnh vật mùa xuân

Tác phẩm "Hoa quả Tết" của danh họa Trần Lưu Hậu được sáng tác vào năm 1977, với việc sử dụng chất liệu bột màu.

Hoạ sĩ Trần Lưu Hậu (1928-2020) là cựu sinh viên của Học viện Hàn lâm quốc gia Mỹ thuật Surikov, Nga. Từ năm 1962 đến 1988, ông dạy tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho nhiều họa sĩ nổi tiếng như Lê Anh Vân, Thành Chương, Đặng Xuân Hòa. Ông được vinh danh với Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật vào năm 2001.

Kính mời quý bạn đọc cùng thưởng thức video những tác phẩm Ngày xuân của các danh hoạ, trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày giáp Tết Giáp Thìn 2024 tại website Thế giới Hội hoạ.

 Nguồn: tổng hợp báo Vnexpress.

DMCA.com Protection Status