Những bức tranh đắt giá nhất thế giới
Xuôi chiều lịch sử hội họa, nhiều bức tranh từ các họa sĩ khác nhau đã được ra đời và trong số đó có những bức tranh đắt nhất thế giới. Khi nghe đến thông tin một bức tranh bán với giá triệu đô, quy ra tiền Việt đã là hơn 20 tỷ đồng, một con số khiến cho rất nhiều người phải trầm trồ. Thế nhưng, chừng đấy cũng chưa thấm vào đâu so với giá trị của những bức tranh đắt nhất thế giới. Hãy cùng Thế Giới Hội Họa tìm hiểu danh sách những tác phẩm hội họa đắt giá nhất thế giới khiến nhiều người phải sửng sốt nhé!
Bức tranh chân dung nàng Mona Lisa - một trong những bức tranh đắt nhất thế giới
Bức tranh đắt nhất thế giới và cũng là bức tranh được biết đến nhiều nhất thế giới là chân dung nàng Mona Lisa. Bức tranh do danh họa người Ý hàng đầu thế giới - Leonardo da Vinci thực hiện vào thời kỳ Phục Hưng, phác họa nữ quý tộc Lisa Gherardini. Nàng sở hữu nụ cười bí hiểm, cười mà như không cười, không cười mà như đang cười. Nàng Mona Lisa không có lông mày hoặc lông mi rõ ràng, nhưng bức vẽ vẫn rất hài hòa. Kiệt tác này là một trong những tác phẩm của da Vinci tiên phong kỹ thuật “Aerial perspective” trong tranh chân dung. Dẫu là nhân vật chính trong bức họa, Leonardo da Vinci không tặng bức tranh chân dung cho nàng Mona Lisa mà tặng cho người học trò cưng Salai. Sau đó, Vua Francis I của Pháp đã mua lại bức họa và trưng bày vĩnh viễn tại bảo tàng Louvre, Paris từ năm 1797.
Vào năm 2021, giá trị bức tranh đã được định giá bởi các hãng bảo hiểm lên đến con số 870 triệu USD. Đây cũng là một kỷ lục Guinness về giá trị bảo hiểm đối với một tác phẩm hội họa, liên tục được thiết lập kỷ lục mới kể từ năm 1962. Cũng bởi giá trị cao nên chân dung nàng Mona Lisa từng bị đánh cắp 1 lần vào năm 1911 bởi một nhân viên của viện bảo tàng người Ý và đã được tìm lại.
Bức tranh Đấng cứu thế - Salvator Mundi
Cái tên đứng thứ hai trong danh sách những bức tranh đắt nhất thế giới vẫn là một tác phẩm của Leonardo da Vinci vẽ Chúa Kito. Đây là bức vẽ chân dung của Ngài, tay trái cầm một quả cầu pha lê tượng trưng cho thế giới, tay phải đang làm dấu Thánh. Tuy nhiên, nguồn gốc về bức tranh đến nay vẫn còn tranh cãi. Vào năm 1500, bức tranh từng thuộc sở hữu bởi Vua Charles I của nước Anh rồi “biến mất” một cách bí ẩn.
Bức tranh Đấng cứu thế - Salvator Mundi hơn 450 triệu USD
Bức tranh này đã trải qua rất nhiều chủ nhân. Năm 1958, kiệt tác này được bán tại nhà đấu giá Christie's với giá 60 USD.
Vào năm 2005, các nhà kinh doanh nghệ thuật đã khôi phục và chứng minh được bức tranh là nguyên bản của họa sĩ Leonardo da Vinci. Kết luận này đã được chứng thực bởi Phòng trưng bày Quốc gia và Bảo tàng Nghệ thuật Dallas (Mỹ).
Vào năm 2013, bức tranh thuộc sở hữu của nhà bán tranh người Thụy Sĩ Yves Bouvier với giá 127,5 triệu USD, thông qua sự môi giới của Sotheby's, New York.
Vào năm 2017, sau khi được triển lãm tại nhiều nước, bức Salvator Mundi đã được đấu giá tại nhà đấu giá Christie’s ở New York với giá đấu thành công là 450.312.500 USD, trong đó mức giá là 400 triệu USD và mức phí đấu giá là hơn 50,3 triệu USD. Tuy nhiên, kể từ khi thuộc về Hoàng thân Ả Rập, bức tranh đã không còn xuất hiện trước công chúng.
Bức tranh Sự kết nối - Interchange
Interchange cũng là một trong những bức tranh đắt nhất thế giới. Đây là tác phẩm của danh họa người Mỹ gốc Hà Lan - Willem de Kooning, một trong những người tiên phong cho trường phái hội họa trừu tượng biểu hiện. Tác phẩm đánh dấu chủ đề mới của họa sĩ từ phụ nữ sang phong cảnh đô thị, đồng thời phản ánh sự thay đổi trong kỹ thuật vẽ tranh của de Kooning với những nét cọ nhanh, trái ngược với những nét cọ mạnh trước đây. Bức tranh vẽ một chủ thể màu hồng ở trung tâm, đại diện cho một người phụ nữ đang ngồi.
Bức tranh Interchange của danh họa Willem de Kooning - 300 triệu USD
Bức tranh được de Kooning hoàn thành vào năm 1955 với kích thước 200,7 x 175,3cm bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải Canvas. Ngay khi hoàn tất, bức tranh đã được họa sĩ bán cho một phòng trưng bày với giá 4000 USD. Sau đó, tác phẩm đã được trao tay cho một nhà buôn tranh Nhật Bản vào năm 1989 với giá 20,7 triệu USD, cùng với sự giúp sức của nhà môi giới Sotheby's. Điều đáng nói và gây bức xúc là thương vụ đã diễn ra 3 tháng sau khi một thẩm phán tuyên bố họa sĩ de Kooning bị thiểu năng trí tuệ do mắc bệnh Alzheimer.
Vào cuộc khủng hoảng “bong bóng tài sản” tại Nhật Bản, bức tranh đã bị David Geffen thâu tóm với một cái giá không được tiết lộ. Cuối cùng, vào tháng 9 năm 2015, Geffen đã bán bức Interchange cho tỷ phú Kenneth C.Griffin với con số 300 triệu USD. Phiên đấu giá tranh này đã tạo nên một kỷ lục giá tranh đắt nhất thế giới mới mà cho đến năm 2017 mới bị phá vỡ bởi bức Salvator Mundi.
The Card Players (Những người chơi bài)
Bức tranh The Card Players được sáng tác bởi họa sĩ người Pháp - Paul Cézanne. Đây là một trong những mảnh ghép gồm 5 bức tranh mà danh họa tái hiện hình ảnh những người nông dân chơi bài. Họa sĩ vẽ bức tranh sơn dầu này vào những ngày cuối của cuộc đời mình. Đến năm 2021, bức tranh bất ngờ được Hoàng gia Qatar mua lại với giá hơn 250 triệu USD và trở thành một trong những bức tranh đắt nhất thế giới.
Bức tranh The Card Players của họa sĩ Paul Cézanne có giá 250 triệu USD
Bức tranh The Card Players và 4 tác phẩm khác của ông trong loạt tranh này mang trường phái hậu ấn tượng và là tác phẩm tiêu biểu thuộc trường phái này. Bốn bức tranh còn lại lần lượt đang trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Musée d’Orsay, Courtauld và Barnes Foundation.
Number 17A
Jackson Pollock là một trong những họa sĩ người Mỹ nổi tiếng theo đuổi trường phái tranh trừu tượng. Khi sinh thời, ông vô cùng nổi tiếng với tài năng của mình. Ông là một người vô cùng sáng tạo, tận dụng nhiều vật dụng khác nhau để vẽ tranh như chổi, que gậy, dao, cát, thủy tinh… Ông cũng không bao giờ dùng đến giá vẽ, mà mặc cho những vết sơn vương vãi. Có lẽ vì lý do trên mà tác phẩm của ông cũng vô cùng khác biệt.
Bức tranh Number 17A của họa sĩ Jackson Pollock
Trong số đó, bức tranh Number 17A đã được vị tỷ phú hào phóng Kenneth C.Griffin mua lại với giá 200 triệu USD cùng với bức Interchange trị giá 300 triệu USD trong cùng một phiên đấu giá. Hiện nay, bức tranh này đang được trưng bày tại Viện Nghệ thuật Chicago.
No.6 (Violet, Green and Red)
Vẫn là trường phái trừu tượng nhưng chúng ta thấy được sự khác biệt của bức tranh No.6 (Violet, Green and Red) so với Number 17A. No.6 được hoàn thiện bởi bàn tay của họa sĩ người Nga - Mark Rothko. Ông là bậc thầy về màu sắc và phối hợp ba gam màu tím - xanh - đỏ trong bức No.6. Ông sử dụng những mảng màu lớn hình chữ nhật xếp song song với nhau. Các mép hình chữ nhật mờ mờ và không đều. Bức tranh thể hiện về những xung đột và khó khăn của chính tác giả. Vị tỷ phú người Nga - Dmitry Rybolovlev đã trả 186 triệu USD và No.6 là bức tranh đắt nhất thế giới lúc bấy giờ.
Bức tranh No.6 (Violet, Green and Red) của họa sĩ Mark Rothko trị giá 186 triệu USD
Chân dung Maerten Soolmans và Oopjen Coppit
Đây là bức tranh vẽ Maerten Soolmans và Oopjen Coppit, đôi uyên ương nổi tiếng trong giới quý tộc. Tại Amsterdam nửa đầu thế kỷ XVII, trước khi thành hôn, cặp đôi đã thuê họa sĩ Rembrandt vẽ chân dung của mình. Bức tranh về cặp đôi quý tộc là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong cuộc đời Rembrandt, vì ông rất hiếm khi vẽ tranh chân dung. Sau đó, viện bảo tàng Rijksmuseum (Amsterdam) và Louvre (Paris) đã mua lại bức tranh với giá 180 triệu USD từ gia đình Rothschild.
Tranh chân dung Maerten Soolmans và Oopjen Coppit của họa sĩ Rembrandt trị giá 180 triệu USD
Les femmes d'Alger
Picasso là một danh họa nổi tiếng trên thế giới và tạo ra rất nhiều tác phẩm triệu đô. Trong số đó, có tác phẩm “Les femmes d'Alger” được một người giấu danh mua lại từ nhà đấu giá Christie’s với 179 triệu USD.
Bức tranh “Les femmes d'Alger” của họa sĩ Picasso có giá 179 triệu USD
Bậc thầy họa sĩ Picasso nổi tiếng trong trường phái trừu tượng và bức “Les femmes d'Alger” cuối cùng của ông cũng theo phong cách trên. Vị họa sĩ Tây Ban Nha lấy cảm hứng từ tranh The Women of Algiers in their Apartment của Eugene Delacroix. Trong loạt tranh này gồm rất nhiều bức tranh và được ông đánh dấu theo bảng chữ cái. Trong đó, phiên bản O là phiên bản đắt đỏ nhất và cũng là phiên bản đẹp nhất.
No.5 - Một trong những bức tranh đắt nhất thế giới
Bức tranh đắt đỏ tiếp theo là một tác phẩm của họa sĩ đại tài Jackson Pollock. Ông vẽ bức tranh bằng cách nhỏ từng giọt sơn xuống tấm vải lớn 120 x 120cm. Gam màu chủ đạo của bức No.5 này là nâu và vàng, theo nhiều ý kiến từ chuyên gia, đây là hình trừu tượng tổ chim. Với những ý tưởng táo bạo khi ông chuyển sang chủ nghĩa trừu tượng phi khách thể, ông muốn ngăn cản người xem hiểu được bức tranh và cùng với những cái tên mà ông đặt cho chúng như No.7, No.17A, người xem càng bất lực để tìm ra ý nghĩa mà ông muốn truyền tải.
Bức tranh No.5 của họa sĩ đại tài Jackson Pollock có giá 140 triệu USD
Chân dung Adele Bloch-Bauer
Bức tranh cuối cùng trong số những bức tranh đắt nhất thế giới chắc chắn sẽ lý giải vì sao nó đắt đến như thế. Đây là tác phẩm của Gustav Klimt vẽ bằng sơn dầu, vàng và bạc. Chân dung bà Adele Bloch-Bauer trong tranh của Gustav Klimt mang một vẻ kỳ bí. Adele sở hữu một đôi mắt đen tuyền tuyệt đẹp nhưng khi nhìn vào ánh mắt ấy lại khó có thể đọc được ý nghĩa thật sự. Bức tranh theo trường phái tượng trưng được mua về với giá 135 triệu USD.
Chân dung Adele Bloch-Bauer của Gustav Klimt trị giá 135 triệu USD
Vậy là Thế Giới Hội Họa đã cùng bạn điểm qua những bức tranh đắt nhất thế giới trong làng hội họa quốc tế. Nghệ thuật vốn dĩ đa chiều và ẩn chứa nhiều ý nghĩa riêng. Đặc biệt, nghệ thuật hội họa Việt Nam không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn chứa cả những câu chuyện, lịch sử, nếp sống và văn hóa. Vì vậy, hãy để Thế Giới Hội Họa lan tỏa những giá trị ấy thông qua những bức tranh nghệ thuật! Các họa sĩ tài năng đã vẽ ra cả một bầu trời nghệ thuật cho những người yêu thích cái đẹp và nét đẹp Việt Nam. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về tranh vẽ, hãy liên hệ với chúng tôi ngay nhé!