Giới thiệu một số tác phẩm của hoạ sĩ Mai Trung Thứ

Hoạ sĩ Mai Trung Thứ (1906-1980) là một trong những hoạ sĩ tiên phong của Hội hoạ Việt Nam hiện đại. Ông sinh ra ở Hải Phòng trong thời kỳ Pháp thuộc, trong gia đình có ông nội và cha của ông đều là quan lớn của nhà Nguyễn. Ông theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và đã tốt nghiệp khoá học đầu tiên của trường vào năm 1930.

Ông là một trong Tứ kiệt Đông Dương Phổ - Thứ - Lựu - Đàm.

Hồi tưởng về hoạ sĩ Mai Trung Thứ

Chân dung hoạ sĩ Mai Trung Thứ

Chân dung hoạ sĩ Mai Trung Thứ do nhà đấu giá Christie's cung cấp

Để tìm kiếm một cách diễn đạt mỹ thuật đặc trưng cho Việt Nam, ông đã hình thành và hoàn thiện phong cách hội hoạ sau khi định cư lâu dài tại Pháp kể từ năm 1937. Ngoài việc thông thạo các kỹ thuật vẽ và sơn dầu cổ điển của phương tây, ông còn thuần thục các kỹ năng tượng hình trên lụa và các phong cách hội hoạ Á đông. Tại Pháp, ông có dịp gặp gỡ các hoạ sĩ bậc thầy của châu Âu, đặc biệt là các hoạ sĩ trường phái Phục Hưng. Vì vậy, với tài năng hội hoạ, ông đã thể hiện một sự pha trộn tinh tế giữa nghệ thuật phương tây và Việt Nam. Theo nhận xét của các nhà phê bình nghệ thuật phương tây, những tác phẩm của hoạ sĩ đã phản ánh lý tưởng về sự nhẹ nhàng và cân bằng. Đồng thời, các nhà phê bình cũng đánh giá ông là một trong những hoạ sĩ truyền thống nhất của Việt Nam. Với phong cách đặc trưng, hoạ sĩ Mai Trung Thứ đã thể hiện chân thực tinh hoa văn hoá của Việt Nam vào thời điểm bấy giờ.

Mặc dù ông đã sống hơn một nửa cuộc đời ở Pháp, ngày nay, hoạ sĩ Mai Trung Thứ vẫn được coi là một trong những nhân vật chính của hội hoạ hiện đại Việt Nam. Sự vắng mặt của ông tại Việt Nam, và việc không thể tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật của ông tại quê hương đã phần nào lý giải tại sao ông bị lãng quên trong lịch sử hội hoạ Việt Nam cho đến cuối thế kỷ 20. Ông cũng không được giới hội hoạ Pháp công nhận chính thức trong suốt cuộc đời mình, có lẽ vì ông luôn cố tình tránh xa các phong trào tiên phong của hội hoạ nước Pháp.

Khi đến Pháp năm 1937, họa sĩ Mai Trung Thứ đã bị cuốn vào cuộc chiến giữa Pháp quốc và các xứ thuộc địa. Ông tình nguyện đi lính và xuất ngũ năm 1940. Những tác phẩm tranh lụa cổ nhất của hoạ sĩ mà chúng ta được biết đều sáng tác trong thời kỳ này. Có lẽ hoạ sĩ Mai Trung Thứ đã quyết định từ rất sớm việc từ bỏ tranh sơn dầu mà ông đã thực hành luân phiên cùng với tranh lụa ngay từ khi đến Pháp. Kể từ sau đó, hoạ sĩ đã nhấn mạnh bản sắc Á đông của mình thông qua một phong cách hội hoạ mà không hoạ sĩ nào ở Pháp có thể thực hiện được. Ông đã thể hiện trên những bức tranh lụa những chủ đề mà ngày càng mang đến sự quan tâm của phương Tây đối với hình ảnh một phương Đông đầy mộng tưởng.  

Có một khoảng thời gian những người yêu hội hoạ đã cố gắng tìm kiếm quá khứ nghệ thuật của thế hệ hoạ sĩ thời Pháp thuộc. Kể từ thập niên 90, các tác phẩm của hoạ sĩ Mai Trung Thứ đã thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tập trong và ngoài nước. Mặc dù hoạ sĩ đã trở nên nổi tiếng với những người tham gia các phiên đấu giá tại châu Âu; tuy nhiên danh tiếng của hoạ sĩ vẫn còn xa lạ với công chúng trong nước. Những tác phẩm của hoạ sĩ cũng chỉ được biết đến tại các phiên đấu giá và trong các bộ sưu tập tư nhân. Sự thay đổi với công chúng được đánh dấu khi tranh của hoạ sĩ Mai Trung Thứ đã được trưng bày trong bảo tàng Almie Rech. Đây là những tác phẩm được hoạ sĩ sáng tác trong khoảng thời gian 1941-1976, và cũng đã phản ánh đươc phần nào các chủ đề cũng như phong cách của hoạ sĩ.

Phác hoạ về phong cách của hoạ sĩ Mai Trung Thứ

Mặc dù rất xuất sắc trong phong cách chân dung tả thực, hoạ sĩ Mai Trung Thứ đã quyết định ngưng miêu tả khuôn mặt các nhân vật của mình khi hoạt động hội hoạ tại Pháp. Tất cả những người phụ nữ xuất hiện trong tranh của hoạ sĩ, kể từ đây đều mang vẻ đẹp mượt mà theo chuẩn phương đông, vì thế phần nào đó thiếu đi nét riêng của nhân vật. Tương tự như thế, những đứa trẻ cũng mang vẻ đẹp với khuôn mặt tròn trịa, và có những kiểu tóc truyền thống cho bé trai, bé gái. Cảm nhận về sự rung động của bóng tối và ánh sáng, của chiều sâu trong tranh sơn dầu đã được hoạ sĩ thay thế bằng những đường nét mềm mại, thanh lịch của tranh lụa. Những hình thể cũng được hoạ sĩ đơn giản hoá, và bằng một cách tài hoa, đã được nhấn mạnh bằng những mảng màu đồng nhất, hoàn toàn không đơn điệu. Trong những bức vẽ, hoạ sĩ Mai Trung Thứ sử dụng phối cảnh với 2 điểm nhìn. Những hình nơi tiền cảnh được nhìn thấy ngang tầm mắt. Với góc nhìn thứ 2, đường chân trời được hoạ sĩ nâng cao khỏi khung hình. Miêu tả không gian như được xếp chồng lên nhau theo phong cách cổ xưa. Càng về sau, hoạ sĩ càng tăng sự cách điệu trong các chi tiết, với nét vẽ mảnh mai hơn.

Hoạ sĩ Mai Trung Thứ luôn trung thành với những chủ đề yêu thích của mình, với sự lặp lại trong nhiều biến thể. Trong số đó, hoạ sĩ  vẽ về phong tục Việt Nam, với trẻ em trong trang phục truyền thống, và không gian ngày Tết lung linh, đầm ấm với những ngôi nhà được trang trí bằng hoa mai, hoa đào... Chân dung người phụ nữ cũng là đề tài yêu thích của ông. Cho đến những năm 1960, ông đã đưa vào những bức tranh trẻ em Việt Nam, với nhiều trò chơi dân gian khác nhau, qua đó đã gây ấn tượng mạnh đến công chúng nghệ thuật tại Pháp.  Không chỉ vậy, hoạ sĩ Mai Trung Thứ còn lấy cảm hứng từ kiệt tác nghệ thuật phương tây để sáng tác những tác phẩm của mình với chủ đề mới lạ. Một trong số đó có thể kể đến tác phẩm La Source. Với tác phẩm này, hoạ sĩ lần đầu vẽ về chủ đề khoả thân, với nét vẽ á đông. 

Nguồn bài viết: tham khảo từ Artnet, internet.

DMCA.com Protection Status